Lợi ích của quốc gia, dân tộc luôn được đặt lên trên hết Bài 2: Giữ vững trận địa tư tưởng
Lợi ích của quốc gia, dân tộc luôn được đặt lên trên hết
Bài 2: Giữ vững trận địa tư tưởng
Sinh năm 1942, 54 năm tuổi đảng, là cựu giáo chức, dù đã về hưu nhiều năm nay nhưng bà Hà Thị Thi (phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn luôn đau đáu với các vấn đề của đất nước, đồng thời tích cực tham gia công tác Đảng tại nơi cư trú. Bà thường xuyên dành thời gian theo dõi các vấn đề chính trị – xã hội, chủ động cập nhật các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước để thông tin, chia sẻ cùng các cán bộ, đảng viên trong Chi bộ cũng như người dân trên địa bàn. Bên cạnh việc tích cực xem tin tức trên báo, đài, bà còn quan tâm đến các thông tin được đăng tải trên mạng xã hội. Thời gian gần đây, bà Thi hết sức lo lắng trước hiện tượng các thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin sai sự thật về công tác cán bộ được phát tán trên mạng. Điều nguy hại là không ít người dân, trong đó có cả cán bộ, đảng viên tìm đọc, tham gia bình luận và chia sẻ rộng rãi. Từ đây những thông tin “vỉa hè”, với chủ ý xuyên tạc công tác cán bộ của Đảng, tuyên truyền thuyết âm mưu về cái gọi là “đấu tranh phe cánh, thanh trừng nội bộ trong Đảng” đã ít nhiều gây tâm lý hoang mang trong dư luận. Thậm chí có lúc, có nơi một bộ phận người dân có biểu hiện suy giảm lòng tin đối với sự lãnh đạo của Đảng, hoài nghi về công tác nhân sự của Đảng.
Nếu chỉ nhìn bề ngoài thì dường như đây chỉ là những hiện tượng có tính chất manh mún, nhỏ lẻ. Tuy nhiên nếu không kịp thời nắm bắt, có biện pháp kiểm soát và ngăn chặn kịp thời, rất có thể từ những “đốm lửa nhỏ” này sẽ gây ra mối nguy hại lớn ảnh hưởng tiêu cực đến công tác xây dựng Đảng, gây mất ổn định trật tự an toàn xã hội, đe dọa đến sự tồn vong của hệ thống chính trị. Tâm tư của bà Hà Thị Thi cũng là tâm tư của nhiều đảng viên lão thành, cũng như trong bộ phận nhân dân hiện nay, nhất là trong bối cảnh thông tin mạng xã hội đang phát triển nhanh chóng, ngày càng phổ cập. Thực trạng này cho thấy công tác chủ động, phòng chống các thông tin xấu độc, bịa đặt, xuyên tạc, giữ vững “mặt trận tư tưởng” trong quần chúng nhân dân ở giai đoạn hiện nay cần phải được hết sức quan tâm.
Thực tế qua quan sát thực tiễn đời sống thì không chỉ cán bộ, đảng viên mà đông đảo người dân đều dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác nhân sự của Đảng. Điều này xuất phát từ tầm quan trọng của vấn đề này đối với việc duy trì môi trường chính trị-xã hội ổn định và thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên sự quan tâm của từng cá nhân không phải lúc nào cũng được thể hiện một cách đúng đắn, phù hợp. Cụ thể là trong khi đa số cán bộ, đảng viên, người dân thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, cũng như công tác cán bộ của Đảng, đánh giá cao quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh thì bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận tỏ ra hoài nghi, thiếu tin tưởng, có thái độ chỉ trích cách điều hành, hoạt động của các tổ chức đảng cũng như của cả hệ thống chính trị.
Tư tưởng không vững thì ắt sẽ dẫn đến những suy nghĩ, hành động không đúng đắn, chuẩn mực. Hậu quả là xuất hiện một số cá nhân tùy tiện bày tỏ sự bất mãn trên mạng xã hội, thể hiện những cái nhìn cực đoan, méo mó, sai trái về công tác nhân sự của Đảng, Nhà nước, cho rằng đó là vì “lợi ích nhóm chứ không vì lợi ích của đất nước”. Thay vì tìm hiểu các thông tin, sự việc được quan tâm từ các nguồn chính thống, tin cậy, các cá nhân này đưa ra những suy đoán vô căn cứ, hồ đồ, ác ý, hoặc đưa ra những dự báo về những thay đổi nhân sự trong thời gian tới kèm theo những phân tích mang mầu sắc chủ quan, thiếu căn cứ. Ma trận tin thật-tin giả ít nhiều gây hoang mang, dao động trong cộng đồng đang ngày càng lây lan với tốc độ chóng mặt, đe dọa gây ra những hậu quả khôn lường. Đã xuất hiện tình trạng “làm nhân sự” tại bàn trà, quán nhậu. Đã có những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ, nguy cơ làm lung lay niềm tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, từ đây hình thành tâm lý bức xúc, chống đối trong xã hội.
Lợi dụng điều này, các phần tử cơ hội, cực đoan, thù địch tìm mọi thủ đoạn hòng khoét sâu những nghi ngờ, hoang mang trong dư luận bằng việc tiếp tục “bơm” ra những thông tin bịa đặt, xuyên tạc về đời tư các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, dựng nên một “cuộc chiến một mất một còn giữa các phe phái” trong nội bộ Đảng… Không khó để nhận ra mục tiêu của các đối tượng là phá hoại công tác nhân sự nói riêng, công tác xây dựng Đảng nói chung thông qua việc gây chia rẽ trong nội bộ Đảng và trong quần chúng nhân dân, khiến người dân mất lòng tin đối với Đảng, nghi ngờ công tác nhân sự của Đảng, bất hợp tác với chính quyền, phá hoại công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các đối tượng chống phá kích động người dân kêu gọi tự do dân chủ bằng cách đòi đa nguyên đa đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, kêu gọi biểu tình bạo loạn chống chính quyền.
Rõ ràng sự quan tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác nhân sự của Đảng là chính đáng và cần thiết, tuy nhiên sự quan tâm này cũng cần thực hành đúng đắn trên cơ sở tôn trọng luật pháp. Nhằm tạo điều kiện cho người dân được thể hiện vai trò, trách nhiệm đối với các vấn đề của đất nước, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định, đạo luật có liên quan, tiêu biểu như Hiến pháp, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Dân sự,… Cụ thể tại Điều 3, Hiến pháp 2013 quy định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân”. Xác định nguyên tắc “thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng” Đảng ta đã không ngừng sáng tạo ra những phương thức mới, cách làm hay nhằm phát huy tối đa vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng.
Liên quan đến công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIV của Đảng được đông đảo người dân quan tâm, theo dõi, phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự (ngày 13/3/2024), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng nhấn mạnh: “Công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng không chỉ là nhiệm vụ của Tiểu ban Nhân sự, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Ban Chấp hành Trung ương mà là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị và các địa phương”. Từ đây đòi hỏi sự quan tâm, thể hiện trách nhiệm tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên đó là phải giữ vững lập trường tư tưởng, thực hiện đúng quan điểm đường lối của Đảng về công tác nhân sự, kịp thời nhận diện và kiên quyết đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, thù địch, tham gia định hướng dư luận xã hội, làm tốt công tác tư tưởng trong quần chúng nhân dân, góp phần giữ vững “thế trận lòng dân”.
Thực tiễn đã chứng minh, trong các giai đoạn lịch sử của cách mạng Việt Nam, việc xây dựng “thế trận lòng dân”, giữ vững mặt trận tư tưởng trong quần chúng nhân dân luôn có ý nghĩa rất quan trọng, được xem là một trong những giải pháp vừa có tính cấp bách vừa có tính bền vững, lâu dài trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Theo đó mục tiêu cần đạt được đó là củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quy tụ, tập hợp, khơi dậy, phát huy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí vươn lên của các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở đó phát huy tinh thần chủ động của mọi tầng lớp nhân dân trong công cuộc đấu tranh chống các âm mưu, thủ đoạn chống phá của thế lực thù địch, kiên quyết bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Hiện nay, trước tình hình chống phá ác liệt của các thế lực thù địch đối với công tác nhân sự của Đảng nhất là trên không gian mạng, yêu cầu đặt ra đối với cả hệ thống chính trị đó là phải giữ vững thế trận lòng dân, làm chủ trận địa thông tin, làm tốt công tác định hướng dư luận. Kịp thời thông tin, tuyên truyền về những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, cũng như thông tin về các vấn đề, vụ việc nhạy cảm để nhân dân nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng. Cần chú trọng việc đổi mới nội dung, phương thức thông tin tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tiếp tục làm tốt công tác dự báo, nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời định hướng dư luận xã hội. Song song đó cần phân tích, vạch trần những âm mưu, thủ đoạn chống phá thâm độc của các thế lực thù địch, phản động để người dân nhận diện, chủ động phòng tránh cũng như có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân tán phát thông tin sai trái, xấu độc; kịp thời phát hiện và nghiêm trị các đối tượng chống đối, phần tử cơ hội, phản động. Đồng thời các tầng lớp nhân dân cần tỉnh táo, nâng cao sức đề kháng, không để bản thân bị lôi kéo hoặc tiếp tay cho đối tượng xấu, không lan truyền thông tin chưa được kiểm chứng, tin bịa đặt sai sự thật xuyên tạc công tác nhân sự của Đảng, Nhà nước. Khi bị đề cao cảnh giác, tẩy chay, không ai đọc, không ai quan tâm phát tán, lan truyền thì các thông tin xấu độc sẽ không còn cơ hội để phát tán, gieo rắc mầm độc hại trong cộng đồng. Dân tin Đảng, quyết tâm bảo vệ Đảng thì không kẻ thù nào có thể làm suy yếu được sức mạnh của Đảng, của đất nước, không thể cản trở con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam./.