“Nhận vơ” thành tích, đùn đẩy trách nhiệm – căn bệnh trầm kha, mối nguy cho Đảng
“Nhận vơ” thành tích, đùn đẩy trách nhiệm – căn bệnh trầm kha, mối nguy cho Đảng
Bài 1: Nhận diện những dạng thức mới của căn bệnh trầm kha
Mặc dù chẳng có đóng góp hoặc không đáng kể nhưng vẫn “nhận vơ” thành tích về mình, thậm chí phô trương thành tích để làm đẹp báo cáo, đánh bóng tổ chức và bản thân; nhưng hễ có sai lầm, khuyết điểm gì thì lại lo sợ trách nhiệm và tìm mọi cách để chối bay, chối biến, đùn đẩy, không dám nhận. Đó là biểu hiện của sự sa sút về tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống; một biểu hiện cụ thể, rất đáng báo động của chủ nghĩa cá nhân. Để điều trị căn bệnh này, cần thiết phải mổ xẻ mầm mống, “nội soi” nguyên nhân gây ra.
BIỂU HIỆN LO NGẠI CỦA CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN
Khi muốn ám chỉ, phê phán những kẻ có lối sống thực dụng, khôn lỏi, thành tích thì vơ hết về mình, khó khăn, hiểm nguy lại đùn đẩy cho người khác, người xưa thường có câu: “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”. Lời nhắc nhở ấy cho đến nay vẫn nguyên giá trị; bởi hành vi này đang ngấm ngầm diễn ra trong hoạt động công quyền ở các cơ quan Nhà nước.
Theo Từ điển tiếng Việt: “Nhận vơ” là nhận về mình cái biết rõ là không phải của mình. Đây là hành vi ngang ngược mà biểu hiện thấy rõ nhất là khi cấp trên đề nghị báo cáo thành tích để khen thưởng thì các tổ chức, cơ quan đồng loạt báo cáo rất kêu. Ngoài việc “tô hồng” thành tích thì có cả những phần việc biết đơn vị, cá nhân mình không tham gia nhưng vẫn khai man, “dây máu ăn phần”. Người mắc bệnh này thường có tâm lý hoang mang, lo sợ, hoài nghi, thiếu niềm tin và mang tư tưởng ghen ghét, đố kỵ. Nhiều tổ chức, cá nhân soạn xong báo cáo thì gửi cấp trên, còn nội bộ thì giấu tiệt đi, không cho ai biết vì sợ bị lộ. Thế nhưng “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. Chuyện thật như bịa ấy đã xảy ra ở tỉnh Vĩnh Long cách đây chưa lâu. Chuyện là, khi được cấp trên đề nghị báo cáo tiến độ Dự án xây dựng nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Phú, lãnh đạo huyện Long Hồ đã vô tư khai man hoàn thành tiến độ để được biểu dương. Chỉ đến khi bị đoàn thanh tra của Chính phủ về làm việc thì mới lòi “cái đuôi chuột” ra.
Lại có một chuyện cười ra nước mắt, vào dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7), một đơn vị nọ ở địa phương được giao nhiệm vụ đón và phục vụ các đoàn thiện nguyện từ các nơi về thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách. Cuối năm làm báo cáo, đơn vị ấy đã “mạnh dạn” tự cộng thêm các phần quà của các tổ chức khác đến thăm, tặng vào thành tích của đơn vị mình. Với thành tích cao “ngất ngưởng” và được cấp trên khen thưởng, biểu dương… Hoặc hiện tượng khá phổ biến trong thực tế khi đánh giá về kết quả của một việc cụ thể, ví như thành tích trong công tác tuyên truyền, các hoạt động phong trào, xây dựng mô hình điển hình… Tổ chức đảng, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, công đoàn cũng đều nhận về mình. Tổ chức nào cũng “vơ vào” số liệu, cách làm, hiệu quả… giống và “hay” như nhau.
Thành tích thì vơ về mình nhưng hễ liên quan đến trách nhiệm thì tìm cách đùn đẩy. Biểu hiện đó là: Nhiều tổ chức và cá nhân khi bị nhắc nhở, phê bình thì tìm mọi cách để đổ lỗi, tìm một lý do nào đó để chèo lái sự việc sang hướng khác, hòng tìm đường thoát cho mình. Thường thì cấp trên đổ lỗi cho cấp dưới; cấp dưới lại đổ lỗi cho cấp dưới nữa; hoặc vin vào lý do cơ chế, do điều kiện, hoàn cảnh… Sau khi đùn đẩy là lo sợ trách nhiệm. Biểu hiện mắc bệnh này là thường xuyên sợ bị liên lụy, sợ bị quy trách nhiệm, sợ bị ảnh hưởng lợi ích cá nhân, nên làm gì cũng tính toán, so đo, lo sợ, không quyết đoán, thu mình trong “chiếc kén”. Thậm chí cấp trên giao nhiệm vụ nhưng tìm mọi cách để né tránh, không làm, hoặc kiểu làm đối phó, không tận tâm, tận lực để tránh vạ trách nhiệm. Đây cũng là căn bệnh mà cách đây 50 năm, trong bài viết “Bệnh sợ trách nhiệm” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đăng trên Tạp chí Cộng sản chỉ rõ: “Làm việc cầm chừng cho đủ bổn phận, cốt sao không phạm khuyết điểm. Rụt rè, do dự khi giải quyết công việc, không phát biểu rõ ràng, dứt khoát ý kiến của mình, không dám quyết đoán những việc thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn được giao. Lấy lý do làm việc tập thể, tôn trọng tập thể để dựa dẫm vào tập thể, việc lớn việc nhỏ gì cũng đưa ra tập thể bàn, chờ ý kiến tập thể cho đỡ phiền…”.
“Nhận vơ” thành tích, đùn đẩy, lo sợ trách nhiệm là những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động, thực thi nhiệm vụ của tổ chức, một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay. Nó có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, là biểu hiện đáng báo động với các dạng thức mới của chủ nghĩa cá nhân, biểu hiện của tình trạng “tranh công, đổ lỗi”. Căn bệnh này đang lây lan và có chiều hướng gia tăng, nhất là thời điểm trước thềm đại hội Đảng các cấp. Thực chất nó tạo nên sự vững mạnh giả tạo, thành tích ảo; triệt hạ sự phát triển.
“TẤM BÌNH PHONG” CHE KHUYẾT ĐIỂM
Trong suốt cuộc đời cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lo lắng, rèn giũa, nhắc nhở cán bộ tránh xa những thói hư tật xấu của chủ nghĩa cá nhân. Người gọi chủ nghĩa cá nhân là “giặc nội xâm” – giặc ở bên trong mỗi con người, mỗi cơ quan, đoàn thể; “Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu”.
Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XII (năm 2016), Đảng ta đã đưa ra 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Biểu hiện trước tiên đó là do cán bộ, đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân: “Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình”. Quân ủy Trung ương cũng ban hành Nghị quyết số 847-NQ/QUTW về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới. Điều ấy cho thấy quyết tâm cao của Đảng ta trong công cuộc chống lại các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.
Thành tích, khen thưởng vốn là những mỹ từ rất ý nghĩa. Đó là sự ghi nhận, khẳng định quá trình phấn đấu, nỗ lực trong thực thi nhiệm vụ; khác xa hoàn toàn với hành vi “nhận vơ” thành tích, đùn đẩy, lo sợ trách nhiệm. Vì sao căn bệnh này xuất hiện ngày càng đáng báo động, lây lan ở một bộ phận cán bộ, đảng viên?
Xét về nguyên nhân chủ quan thì sâu xa của căn bệnh này là do chủ nghĩa cá nhân mà ra; dẫn đến một số cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Biểu hiện rõ nhất là bệnh thành tích, háo danh, háo thành tích, “con gà tức nhau tiếng gáy”, nên luôn bon chen, ganh đua. Đôi khi, các tổ chức, cá nhân còn sử dụng thành tích để làm “tấm bình phong” che đậy khuyết điểm. Bệnh này còn do một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu trách nhiệm, thiếu trung thực trong thực thi nhiệm vụ. Cùng với tâm lý sợ sai, ngại va chạm nên họ làm việc cầm chừng, thiếu sáng tạo, né tránh khuyết điểm để lợi mình, hại người.
Xét về nguyên nhân khách quan, trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật và vận hành các cơ chế, chính sách, quy định vẫn còn nhiều nội dung chồng chéo, mâu thuẫn, phát sinh tình trạng chồng lấn chức năng, nhiệm vụ. Bên cạnh đó, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt, nhiều cán bộ, kể cả cấp cao bị xử lý. Kết quả đó bên cạnh hiệu ứng xã hội rất tốt, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cũng tác động tới tư tưởng, tâm lý của một bộ phận cán bộ, đảng viên, lo lắng, lo sợ thái quá, làm gì cũng nghe ngóng, sợ sai, sợ trách nhiệm, chỉ lo bảo toàn, giữ ghế; hoặc tìm mọi cách đánh bóng, ghi điểm tạo sự vững mạnh giả tạo; khi xảy ra sự vụ thì đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Việc cụ thể hóa, hiện thực hóa chủ trương, quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, nhiều nơi chưa quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả…
Trong thực tế, không ít cán bộ, đảng viên nhờ “nhận vơ” thành tích, đùn đẩy trách nhiệm, qua mặt được tổ chức, leo cao trong bộ máy Nhà nước, đến lúc bị xử lý mới vỡ lẽ ra. Lỗi này một phần nguyên nhân là do việc theo dõi, bồi dưỡng, đánh giá, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên chưa hiệu quả. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ rõ: Đó chính là vì “tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”. Mặt khác, hoạt động thi đua, khen thưởng ở một số đơn vị còn nặng tính hình thức, chưa chú trọng kết quả thực chất, việc tổ chức, đánh giá còn hời hợt, cảm tính./.