Thắp sáng ước mơ khởi nghiệp

(BGĐT) – Bên cạnh đào tạo kiến thức chuyên ngành, nhiều trường đại học, cao đẳng có một số hoạt động khuyến khích, động viên tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên. Từ đó, các bạn trẻ được tích lũy kiến thức, mở rộng cơ hội việc làm từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Nhóm sinh viên Khoa Chăn nuôi - Thú y, Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang khởi nghiệp với mạng lưới khám, điều trị bệnh cho chó cảnh.

Nhóm sinh viên Khoa Chăn nuôi – Thú y, Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang khởi nghiệp với mạng lưới khám, điều trị bệnh cho chó cảnh.

Cơ hội từ giảng đường

Từ năm thứ hai đại học, sinh viên Nguyễn Văn Bình, lớp D-THUY 4C, Khoa Chăn nuôi – Thú y, Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang đã cùng thầy giáo Trần Đức Hoàn, Trưởng khoa đi thăm khám, điều trị bệnh cho vật nuôi ở nhiều hộ. Qua đó, Bình tự bồi dưỡng một số kiến thức về đặc điểm dịch tễ cơ bản, phương thức chăn nuôi ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là cách điều trị bệnh. Sau khi tìm hiểu, chàng sinh viên trẻ và nhóm bạn thấy việc phòng, tư vấn chăm sóc, điều trị bệnh cho vật nuôi chưa hiệu quả. Tháng 9-2016, họ đã mạnh dạn triển khai ý tưởng nghiên cứu thành lập mạng lưới bệnh xá thú y.

Để đưa ý tưởng khởi nghiệp này trở thành hiện thực, Bình và các bạn đăng tải thông tin, tích cực quảng bá trên trang mạng xã hội. Nhiều người biết và tìm đến. Bình chia sẻ: “Mức thù lao cho mỗi ca điều trị dù không nhiều nhưng công việc giúp em tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và mở rộng cơ hội việc làm cho bản thân sau khi ra trường”. Ngoài Bình, một số sinh viên khác như: Nguyễn Xuân Hải, Nguyễn Thùy Dung, lớp D-THUY 3A… vừa theo học nghề ở một số phòng khám thú y vừa nhận điều trị bệnh cho thú nuôi tại gia đình. Mỗi người trở thành một mắt xích của dự án khởi nghiệp sinh viên mang tên “Bệnh xá thú y”. Ý tưởng này được Tỉnh đoàn đánh giá cao trong cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong nông nghiệp” diễn ra vào tháng 9-2017.

Thời sinh viên được nhiều doanh nhân thành đạt cho là quãng thời gian khởi nghiệp thuận lợi nhất. Bởi các bạn được thầy, cô giáo, nhà trường ủng hộ về kiến thức, cơ sở vật chất cũng như có điều kiện phát hiện những bất cập trong thực tiễn. Tận dụng cơ hội đó, một số sinh viên của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp (Bộ Công Thương) mạnh dạn đề xuất hiện thực hóa những ý tưởng. Thấy đèn chiếu sáng trong tầng hầm để xe của trường phải điều khiển thủ công gây tiêu tốn điện năng, nhóm sinh viên: Mã Văn Nghiệp, Ngô Thị Nội, Dương Văn Thắng, lớp 50 CĐN-Điện 2, Khoa Điện – Tự động hóa đã nghiên cứu hệ thống chiếu sáng tự động dùng cảm biến. Sau thời gian tìm hiểu, được thầy giáo Nguyễn Văn Dân, Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu khoa học hướng dẫn, các bạn trẻ đã hoàn thiện khung bảng điều khiển với những bộ phận: Linh kiện điện tử, khí cụ điện, thiết bị đo lường… Ý tưởng này được Ban Giám hiệu nhà trường ủng hộ. Nhóm nhận lắp đặt bộ cảm biến cho hầm để xe, hàng chục nhà vệ sinh của tòa B, C trong trường. Ngay sau đó, nhiều sinh viên đã nhận thi công lắp đặt hệ thống cảm biến cho một số cơ quan, đơn vị, hộ gia đình.

Thắp lên khát vọng

Thắp sáng, ước mơ, khởi nghiệp
Mỗi năm, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp hỗ trợ từ 300 đến 500 triệu đồng cho các đề tài nghiên cứu, ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên, giáo viên; kết nối tuyển dụng lao động; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức 4 chương trình tư vấn khởi sự doanh nghiệp cung cấp kiến thức về quản trị nguồn nhân lực. Năm 2017, trường hỗ trợ thủ tục cho hơn 100 sinh viên sang học tập và làm việc tại Hàn Quốc,  Đài Loan”.


Thầy giáo Đặng Thanh Thủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp

Những sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp ngoài nhận được sự giúp đỡ về kiến thức, kinh nghiệm của các thầy, cô giáo còn được nhà trường tạo điều kiện về cơ sở vật chất, không gian nghiên cứu, ứng dụng và kinh phí. Quá trình nghiên cứu đề tài “Xác định ảnh hưởng của vật liệu hữu cơ và tỷ lệ phối trộn làm ruột bầu đến khả năng sinh trưởng của cây bưởi làm gốc ghép”, nhóm tác giả lớp D-CAYTRONG 4A  Khoa Nông học được Ban Giám hiệu Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang tạo điều kiện sử dụng miễn phí vườn ươm, dụng cụ lao động và hỗ trợ 5 triệu đồng kinh phí sản xuất. Kết quả, nhóm tìm ra tỷ lệ phối trộn 70% xơ dừa và 30% đất nền là thích hợp nhất để làm ruột bầu giúp gốc ghép bưởi sinh trưởng tốt. Hoàn thành đề tài, nhóm được các thầy, cô giới thiệu khách hàng tiêu thụ toàn bộ gốc ghép. Mỗi gốc có giá khoảng 10 nghìn đồng (bằng giá thị trường). Không những vậy, nhiều chủ vườn tin tưởng tìm đến tận nơi đặt hàng cho lứa cây mới. Theo Bí thư Đoàn Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang Đàm Thuận Minh Bình, tính riêng năm 2017, trường hỗ trợ gần 40 triệu đồng cho 12 ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên. Đây là những ý tưởng có chiều sâu, tính ứng dụng cao.

Để thúc đẩy những ý tưởng khởi nghiệp trong sinh viên, mỗi trường có những cách làm khác nhau. Ví như Đoàn trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang lập ra trang facebook “Chợ sinh viên”. Tại đây, sinh viên có cơ hội biến ý tưởng từ giảng đường thành các dự án mang lại hiệu quả kinh tế. Nhiều bạn còn kinh doanh online. Không cần vốn, cửa hàng, địa điểm, không ít sinh viên tận dụng không gian mạng xã hội mua bán quần áo, đồ ăn, đồ gia dụng… Trong các buổi sinh hoạt chi đoàn, Đoàn trường chỉ đạo lồng ghép nội dung về khởi sự doanh nghiệp.

Bên cạnh các hoạt động ngoại khóa, sân chơi, tổ chức cuộc thi khởi nghiệp, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp, Cao đẳng Nghề công nghệ Việt – Hàn chủ động kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ những dự án của sinh viên đi xa hơn hoặc tạo môi trường để các bạn trẻ tiếp xúc với doanh nghiệp, tìm kiếm cơ hội việc làm. Đặc biệt, năm học 2017-2018, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp đưa nội dung kỹ năng giao tiếp vào chương trình học chính khóa giúp sinh viên tự tin khởi sự kinh doanh, mạnh dạn trong cuộc sống.

Tuyết Mai

Nguồn: http://baobacgiang.com.vn