“Có vào, có ra”, “có lên, có xuống” không phải là “khủng hoảng thượng tầng”

“Có vào, có ra”, “có lên, có xuống” không phải là “khủng hoảng thượng tầng”

Ngày 16/5/2024, tại Hội nghị Trung ương 9 khoá XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định giới thiệu nhân sự nhân sự để Quốc hội khoá XV bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 và Chủ tịch Quốc hội khoá XV, nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời, Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu bổ sung 4 Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XIII.

Ngày 16/5/2024, tại Hội nghị Trung ương 9 khoá XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định giới thiệu nhân sự nhân sự để Quốc hội khoá XV bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 và Chủ tịch Quốc hội khoá XV, nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời, Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu bổ sung 4 Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XIII.

CÁN BỘ LÃNH ĐẠO CÀNG CAO TRỌNG TRÁCH VÀ SỰ NÊU GƯƠNG CÀNG PHẢI LỚN

 Từ thời dựng Đảng cho đến nay, thấm nhuần sâu sắc chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”(1) và “một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(2)… Đảng ta luôn kiên định những nguyên tắc và yêu cầu cao trong công tác cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị nói riêng.

Những nguyên tắc và yêu cầu đó không ngoài mục tiêu giữ vững lý tưởng, con đường cách mạng; thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng theo 23 điều răn về “Tư cách một người cách mệnh” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu: “Tự mình phải: Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất. Bí mật. Đối người phải: Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người. Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể”(3); rèn luyện bản lĩnh chính trị; trau dồi tri thức chuyên môn, nghiệp vụ… Đó là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa xuyên suốt và nhất quán trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm của từng cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng và của từng cán bộ, đảng viên.

Theo đó, công tác cán bộ, công tác nhân sự được chuẩn bị, được xây dựng theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ để đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp cách mạng được coi trọng và triển khai đồng bộ theo Văn kiện Đại hội Đảng, theo các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận, chuyên đề…

Những nhiệm kỳ gần đây, nhất là nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, việc đẩy mạnh công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai sâu rộng trong cả hệ thống chính trị, thông qua việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với những nội dung: Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương gắn với thực hiện; Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 11/10/2023 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030… đã góp phần tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động, trong việc tự soi, tự sửa từ sớm, từ xa của mỗi cán bộ, đảng viên.

Đảng Cộng sản Việt Nam có Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng, có những quy định, kết luận, chỉ thị, nghị quyết rất rõ ràng về công tác cán bộ, công tác nhân sự; có các nguyên tắc xây dựng, hoạt động của Đảng và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có Hiến pháp, hệ thống pháp luật đồng bộ, nên cán bộ, đảng viên được giao trọng trách càng cao thì trách nhiệm và sự nêu gương càng phải lớn. Trong công tác cán bộ luôn có việc thay đổi, luân chuyển để đáp ứng đúng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ cách mạng. Nói khác đi là công tác cán bộ, công tác nhân sự của Đảng, luôn “có lên, có xuống”, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu. Các cá nhân vi phạm Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng thì phải chịu trách nhiệm với những việc mình đã làm và những việc liên quan đến mình, tức là phải thượng tôn pháp luật; đồng thời, những người xứng đáng, đáp ứng đủ tiêu chuẩn sẽ được bổ nhiệm, trao trọng trách. Vì thế, việc bầu bổ sung 4 Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII mới đây cũng như việc Quốc hội bỏ phiếu bầu Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch nước Tô Lâm; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, bầu Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh… cho thấy sự ổn định chính trị ở Việt Nam theo đúng Hiến pháp, pháp luật, chứ không phải “khủng hoảng thượng tầng” như các thế lực thù địch xuyên tạc, kích động.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước, ngày 22/5/2024. (Ảnh: TTXVN)

Hơn nữa, công tác cán bộ và công tác nhân sự của Đảng đều có quy trình chặt chẽ ở tất cả các cấp. Theo đó, mọi cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược khi được quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm đều phải tuân thủ đầy đủ mọi điều kiện thuộc về tiêu chuẩn của từng chức danh theo Quy định số 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; khi không còn đủ uy tín để đảm nhiệm trọng trách được giao, thì việc xin thôi giữ các chức vụ cũng phải tuân thủ theo Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Điều đó cho thấy, là một cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo cấp cao, thì mỗi người tất yếu phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Tổ quốc và nhân dân khi được giao phó nhiệm vụ. Mỗi sự thay đổi trong công tác cán bộ và công tác nhân sự đều xuất phát từ thực tiễn đòi hỏi. Đó là sự thật và sự thật đó không phải là kết quả của việc “đấu đá nội bộ”, lại càng không phải là “sự khủng hoảng thượng tầng chính trị” như các thế lực thù địch cố tình bẻ cong sự thật.

CHỐNG THAM NHŨNG QUYẾT LIỆT LÀ ĐỂ LÀM TRONG SẠCH ĐỘI NGŨ

Khi Đảng, Nhà nước Việt Nam quyết tâm đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì cần phải khẳng định chắc chắn rằng, không có “trò chơi vương quyền” nào cả, cũng không có ai “một tay che trời”, mà chỉ có một sự thật – đó là cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp cao phải luôn mẫu mực trong thực thi công vụ. Mỗi người đều phải nỗ lực phấn đấu về mọi mặt, đều phải bản lĩnh và nêu gương suốt đời trên tinh thần “giàu sang không thể quyến rũ, Nghèo khó không thể chuyển lay, Uy lực không thể khuất phục”(4) như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn. Chắc chắn, đấu tranh chống tham nhũng và việc xử lý kỷ luật những người liên quan, vi phạm (bằng hình thức này hay hình thức khác) là để “trị bệnh cứu người”; là kỷ luật một vài người để cứu muôn người; là truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực, qua đó cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, chứ không phải là “tìm mọi cách để hạ bệ nhau” như những giọng điệu xuyên tạc, chống phá. Vì thế, trong Đảng Cộng sản Việt Nam không có “khủng khoảng thượng tầng”, cũng không có “cuộc sát phạt nhằm vào các đối thủ chính trị của mình”, mà chỉ có sự tự chỉnh đốn trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao; trong các địa phương, cơ quan, đơn vị để từng cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng, cán bộ, đảng viên nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của mình, xứng đáng với vai trò tiền phong, lãnh đạo Nhà nước và xã hội, xứng đáng là người lãnh đạo – người đày tớ thật trung thành của nhân dân.

Chủ trương đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang được Đảng, Nhà nước ta thực hiện một cách quyết liệt, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai/dù đang đương chức hay đã nghỉ hưu, nếu vi phạm Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật thì đều bị xử lý nghiêm minh là để làm trong sạch Đảng và hệ thống chính trị. Đó là đấu tranh chống tham nhũng gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chứ không phải là “thanh trừng phe phái”, vì thế sự thay đổi nhân sự cấp cao không phải “phe này thắng, phe kia thua” hay do “một ai đó chi phối cả chính trường” Việt Nam như giọng điệu bịa đặt của những kẻ xấu. Thực tế, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng/“đốt lò”, “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế” là chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là người đặc biệt quan tâm, theo dõi sát sao. Mục đích quyết liệt đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng là để loại bỏ những con sâu mọt nhằm “cứu cả một rừng cây xanh tốt”, nên Tổng Bí thư đã nhiều lần không chỉ khẳng định quyết tâm đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam, mà còn nhấn mạnh tính chất gian nan, phức tạp và khó khăn của cuộc đấu tranh này; đồng thời tin tưởng rằng sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các tầng lớp nhân dân sẽ góp phần ngăn chặn và từng bước kiểm soát được tham nhũng, tiêu cực.

Các đại biểu dự Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, ngày 30/6/2022. (Ảnh: VGP)

Lịch sử thế giới đương đại cho thấy, hầu hết các thể chế chính trị chưa “triệt tiêu hoàn toàn” được tình trạng tham nhũng, tiêu cực. Vì thế, thể chế chính trị nào cũng cần phải chú trọng công tác phòng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để các cơ quan công quyền được tổ chức, hoạt động thực sự trong sạch, vững mạnh, liêm khiết. Việc xét xử các vụ án tham nhũng trước đó cũng như các cơ quan chức năng đang tập trung điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật các vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Cục Đăng kiểm, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB, FLC, Tân Hoàng Minh, Phúc Sơn, Thuận An… thời gian gần đây đã chứng minh và khẳng định, việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam được thực hiện một cách kiên quyết, kiên trì và đồng bộ các biện pháp; lấy ngăn chặn, phòng ngừa là chính chứ không chỉ nhằm mục đích trừng trị; là nhằm đưa ra khỏi Đảng những người đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống để làm trong sạch bộ máy. Chủ trương, cách làm và biện pháp xử lý tham nhũng cho thấy “công tác phát hiện và xử lý tham nhũng đã được chỉ đạo và thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào””(5) như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định. Việc công khai kết luận kiểm tra, giám sát hay thông tin về quyết định kỷ luật/đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật những cá nhân, tổ chức vi phạm một cách minh bạch không chỉ khẳng định rõ thêm quyết tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong phòng và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, mà còn góp phần định hướng đúng dư luận xã hội; thiết thực phản bác luận điệu phản động của các thế lực, phần tử thù địch, bất mãn…

*

Một lần nữa, cần khẳng định lại, việc thay đổi nhân sự cấp cao (trong đó có người từ chức, có người mới được bổ nhiệm) chính là siết chặt đội ngũ hơn nữa để tiếp tục kiên định con đường đã chọn, chứ chắc chắn không thể làm cho “thượng tầng chính trị” của Đảng Cộng sản Việt Nam tan rã hay khủng hoảng, tê liệt. Đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam không phải vì “tham vọng quyền lực cá nhân” của riêng ai, cũng không phải do “các phe cánh tiến hành”, mà là chủ trương, quyết tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Cho nên, dù các thế lực thù địch có suy diễn, xuyên tạc và bôi nhọ thế nào thì cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực vẫn được đẩy mạnh, quyết liệt, không ngừng, không nghỉ. Đó cũng chính là Đảng tiếp tục xây dựng và tự chỉnh đốn một cách quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, để xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của nhân dân vào vai trò tiền phong của Đảng.

Hơn nữa, trong công tác cán bộ và công tác nhân sự của Đảng nói chung, chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIV của Đảng nói riêng, thì việc đưa vào hay ra khỏi quy hoạch cán bộ; việc bổ nhiệm hay miễn nhiệm, từ chức một đồng chí nào đó cũng là bình thường, chứ không phải “bị hạ bệ”; càng không thể là “đấu đá nội bộ”. Xử lý thuyết phục những cán bộ, đảng viên liên quan đến tham nhũng, tiêu cực vừa nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật vừa nhân văn, thấu tình đạt lý và việc bổ sung cho đầy đủ các chức danh trong bộ máy của Đảng, Nhà nước không đồng nghĩa với cái gọi là có người thăng tiến, có kẻ bị trừng phạt “vì mâu thuẫn nội tại” như các thế lực thù địch cố tình giật tít câu like trên mạng xã hội.

Vì không có cái gọi là Đảng Cộng sản Việt Nam đang “khủng hoảng từ bên trong”, nên mọi sự suy diễn, bẻ cong sự thật việc thay đổi nhân sự cấp cao ở Việt Nam của các thế lực thù địch đều là những giọng điệu phản động, chống phá nhằm kích động, chia rẽ sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, chia rẽ sự gắn bó, tin tưởng của Nhân dân với Đảng, Nhà nước./.