Sinh viên Trần Thị Hải Yến – Sao Tháng Giêng năm 2017

(BGĐT) – Không chỉ có thành tích cao trong học tập, nghiên cứu khoa học, Trần Thị Hải Yến (SN 1994), lớp D-THUY 3A, Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang còn là cán bộ đoàn, hội năng động, sáng tạo. Yến là một trong 100 sinh viên xuất sắc trên toàn quốc vừa nhận Giải thưởng Sao Tháng Giêng do Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng.

Trần Thị Hải Yến, Sao Tháng Giêng
Trần Thị Hải Yến (thứ 3 từ phải sang) nhận Giải thưởng Sao Tháng Giêng do Hội Sinh viên Việt Nam trao vào ngày 8-1-2017.

Qua nhiều lần hẹn, tôi mới gặp Hải Yến tại khuôn viên nhà trường. Sau chuyến đi vào TP Hồ Chí Minh nhận Giải thưởng Sao Tháng Giêng, cô sinh viên năm thứ tư bận liên miên với lịch học, thực tập. Không giấu niềm vui, Yến bộc bạch: “Nhờ sự động viên, giúp đỡ của các thầy, cô giáo và nỗ lực của bản thân, em có được kết quả học tập như hôm nay. Thực sự, em chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có vinh dự được nhận giải thưởng cao quý này. Đây là động lực, cũng là thử thách để em phấn đấu, cố gắng hơn nữa trong năm học cuối và lập thân, lập nghiệp sau khi ra trường”.

Sinh ra, lớn lên ở thôn Lốt, xã An Châu (Sơn Động), cuộc sống của gia đình Yến rất khó khăn. Bố mẹ làm lụng vất vả, cấy lúa, trồng rau, chăn gà để có tiền nuôi ba chị em ăn học. Vất vả là vậy nhưng có năm cả đàn gà bị dịch bệnh lăn ra chết, thiệt hại cả chục triệu đồng. Với mục đích giúp đỡ gia đình và bà con thôn, xã, sau khi học hết phổ thông, Yến mạnh dạn thi đại học. Năm đầu thi không đủ điểm, Yến theo học lớp dự bị đại học. Ít ai nghĩ, Hải Yến nhút nhát, rụt rè trước đây giờ là cô lớp phó sôi nổi, tự tin, kết quả học tập luôn đứng tốp đầu. Xác định học đại học cần có tinh thần tự giác, phương pháp quản lý thời gian hiệu quả, Yến sắp xếp thời gian biểu và dành nhiều giờ tự nghiên cứu tài liệu. Thêm vào đó, em tranh thủ đi làm thêm để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt, đồng thời tích lũy kỹ năng sống. Qua học tập kết hợp cọ xát thực tế, Hải Yến nắm rất vững kiến thức các môn học cơ bản như: Vi sinh vật đại cương, sinh lý động vật, giải phẫu, dược lý…

Biết Yến là sinh viên chuyên ngành thú y, nhiều lần về quê, bà con lối xóm lại nhờ em “bắt bệnh” cho vật nuôi. Có lần, “bác sĩ thú y” Yến phát hiện đàn gà của người họ hàng có biểu hiện bị ho, hay vảy mỏ. Dựa trên những kiến thức đã học, Yến nhận định gà mắc bệnh ho hen. Nguyên nhân là do ăn phải loại thức ăn gây kích ứng niêm mạc đường hô hấp và thời tiết thay đổi thất thường. Em tư vấn cách chăm sóc, dùng thuốc đúng liều lượng, chữa khỏi bệnh cho đàn gà.

Trần Thị Hải Yến, Sao Tháng Giêng
Trần Thị Hải Yến trong giờ thực hành.

Được sự quan tâm của ban giám hiệu nhà trường, các thầy cô giáo trong khoa, năm đầu tiên, Hải Yến được tạo điều kiện tham gia nghiên cứu đề tài “Tỷ lệ mắc cầu trùng trên gà”. Ngay sau đó, em là chủ nhiệm đề tài “Xác định tỷ lệ nhiễm cầu trùng trên đàn thỏ”. Cả hai đề tài thực hiện trên địa bàn huyện Việt Yên. Năm 2015, Yến và các bạn trong khoa được tham gia phẫu thuật và điều trị bệnh sa ruột cho lợn của một gia đình ở tỉnh Bắc Ninh. Đây là ca bệnh khó, hiếm gặp song nhờ chuyến đi đó em có thêm nhiều kiến thức thực tế bổ ích. Vì vậy, mới là sinh viên năm thứ tư, Yến đã có thể chẩn đoán nhiều loại bệnh ở gia súc, gia cầm và đưa ra cách chữa trị hiệu quả. Đến nay, cô sinh viên này đã làm chủ nhiệm, thành viên tham gia 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường.

Hiện Trần Thị Hải Yến là ủy viên Ban chấp hành Liên chi hội Chăn nuôi – Thú y, Chi hội trưởng Hội Sinh viên D-THUY 3A. Ngoài học tập tốt, Yến còn tích cực tham gia hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Điển hình như năm 2015, Yến cùng hơn 100 sinh viên của trường tham gia tình nguyện tại xã Tuấn Đạo (Sơn Động). Tại đây, các sinh viên tổ chức hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đàn vật nuôi; trồng, chăm sóc một số loại cây vụ hè thu. Tiếp đó, Yến tham gia chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc cây con vụ đông cho nông dân xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang)… Nhận xét về cô trò giỏi, thầy giáo Trần Đức Hoàn, Trưởng khoa Chăn nuôi – Thú y cho biết: “Yến luôn chăm chỉ, nắm vững kiến thức bài học kết hợp với tích cực đi thực tế để làm giàu thêm vốn kiến thức cho bản thân”.

Nguồn: Tuyết Mai

Baobacgiang.com.vn